Vì sao trẻ phải học kỹ năng sống
Cha mẹ nào sinh con ra cũng mong con mình khỏe mạnh, thông minh và cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển. Tuy nhiên bên cạnh việc chăm sóc để con phát triển thể chất, dạy dỗ con để con học hành giỏi giang, nhiệm vụ giúp con định hướng, xây dựng và phát triển các kỹ năng sống cơ bản là không thể thiếu được. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều học sinh thông minh, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vì thiếu, yếu các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và quá trình xin việc, đi làm.
Muốn có được kết quả tốt nhất trong định hướng, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ phụ huynh phải hiểu rõ con, hiểu rõ những kiến thức giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt về khả năng, có trẻ sinh ra đã tự tin hơn trẻ khác, có trẻ lại dễ dàng hòa đồng hơn, trong khi có bạn lại rất có khả năng lãnh đạo… Bồi dưỡng cho trẻ những kỹ năng sống, những thói quen tốt không phải là việc một sớm một chiều mà là cả một quá trình và phải chọn đúng thời điểm thích hợp với độ tuổi của trẻ để bắt đầu mới có kết quả tốt nhất.
Vậy những kỹ năng sống cơ bản nào mẹ nên dạy cho trẻ mầm non?
Dưới đây là danh sách những kỹ năng được các chuyên gia nghiên cứu vào đề cập đến với mong muốn các bậc phụ huynh có thể áp dụng đối với trẻ mầm non.
* Dạy cho trẻ kỹ năng tự lập
Trước hết, cha mẹ phải dạy con tự lập sống dựa vào chính đôi tay của mình ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ phải thành thục những kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi như:
- Kỹ năng chăm sóc bản thân: Bé nên biết tự dọn dẹp đồ chơi, tự thay quần áo, tự đánh răng, tự đi, tự ăn…
- Kỹ năng giữ gìn vệ sinh: Bé nên biết đi vệ sinh đúng nơi, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt, bỏ rác đúng nơi quy định,…
- Kỹ năng giúp đỡ người khác: là một trong những cách nuôi dạy trẻ 4 tuổi bố mẹ nên cho trẻ biết giúp đỡ người khác là một việc tốt và nên được thực hiện thường xuyên. Những công việc nhẹ, bé có thể giúp được như bật quạt, bật tivi (vị trí thấp), lấy chén ăn cơm, xách phụ đồ đạc, tưới cây…
* Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
- Kỹ năng an toàn khi tự chơi: Đây được coi là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các bậc phụ huynh trong thời gian gần đây. Hiện nay do tính chất của công việc cũng như điều kiện của mỗi gia đình, việc tự chơi của các con rất phổ biến. Trong quá trình chơi, các con có thể gặp phải những mối nguy hiểm từ những đồ vật trong gia đình như phích nước, ổ điện, bếp ga, đồ dùng nhà bếp, cầu thang và những đồ vật nhỏ. Các con cần hiểu được đâu là đồ chơi, đâu là đồ dùng trong gia đình; đâu là đồ vật an toàn và đồ vật không an toàn,…
- Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể: Ở Việt Nam, vấn đề cho con tìm hiểu về vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khá nhức nhối trong xã hội hiện nay. Để đảm bảo cho con có những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ thân thể cũng như cách phòng tránh khi bị xâm hại cơ thể, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết. Cha mẹ hãy giúp con hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể, nếu bị xâm hại cơ thể các con nên ứng xử ra sao.
- Kỹ năng ứng xử khi bị lạc: Với nhu cầu vui chơi giải trí hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị lạc xảy ra nơi công cộng. Các bậc phụ huynh nên giúp trẻ có những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc như: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì? Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà. Tuy nhiên khi trẻ đang hoảng sợ chưa chắc trẻ đã nhớ chính xác những thông tin này, vì thế tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
* Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp: Đối với trẻ nhỏ, ngay từ khi trẻ chào đời, thì giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tồn tại và phát triển, trẻ giao tiếp qua ánh mắt, qua các cử động của tay chân và đặc biệt là qua tiếng khóc……Lớn hơn môt chút, trẻ được hình thành kỹ năng giao tiếp ngay trong cuộc sống hàng ngày . Vì thế kỹ năng giao tiếp được xem là một năng lực cần thiết cho trẻ mở rộng quan hệ từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
- Trang bị cho trẻ các kiến thức cơ bản về kỹ năng giao tiếp
- Giúp trẻ hiểu được những ưu điểm của kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.
- Giúp học sinh biết giải quyết các tình huống khó khăn trong cuộc sống
- Biết lắng nghe và chia sẻ
- Góp phần hình thành nhân cách cho trẻ.
* Dạy trẻ kỹ năng thuyết trình trước đám đông: là một trong những kỹ năng sống thiết thực, nhằm cung cấp cho trẻ những kiến thức hữu ích, các kỹ năng “mềm” tối cần thiết về giao tiếp bằng lời nói và bằng ngôn ngữ cơ thể, giúp các em luôn mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp, chủ động làm quen với người lạ và biết cách thiết lập các mối quan hệ tương tác, biết cách thể hiện bản thân và phát triển tốt nhất các khả năng tiềm ẩn của từng em. Khi tập cho bé kỹ năng thuyết trình, cha mẹ, thầy cô cần bắt đầu từ những thứ đơn giản như kể chuyện theo tranh, hay dạng hỏi đáp đơn giản. Khi bé đã mạnh dạn và có cái nhìn tổng quát về thuyết trình các bậc phụ huynh, thầy cô giáo có thể nâng cao nội dung buổi thuyết trình lên một mức mới
- Tự tin giao tiếp trước đám đông
- Kiểm soát được hành vi của bản thân khi giao tiếp hay thuyết trình
- Biết sử dụng ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ cơ thể khi nói chuyện
- Biết cách thiết kế bố cục bài nói của mình theo 3 phần mở bài, thân bài và kết luận
- Biết cách hồi đáp và trả lời những câu hỏi trong khi thuyết trình
- Biết cách thể hiện bản thân trước thầy cô, bạn bè và người thân
- Nâng cao tinh thần đồng đội thông qua những hoạt động giao tiếp tương tác nhóm.
- Thay đổi tư duy một cách hiệu quả và có hệ thống.
* Hành trang vào lớp 1: Mỗi một hành trình đều cần có những hành trang thiết yếu đi theo. Bước vào lớp 1 cũng được coi là một hành trình lý thú trong cuộc đời của trẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cảm thấy tự tin để bước vào những hành trình như thế. Vậy các bậc cha mẹ có thể làm thế nào để giúp con có một hành trang tốt bước vào trường học đúng nghĩa đầu đời? Để làm được điều đó, các bậc cha mẹ cần hiểu: Trẻ cần những kỹ năng gì trong giai đoạn tiền học đường này?
- Rèn luyện cho con kỹ năng quan sát
- Rèn luyện cho con khả năng tập trung
- Dạy con ngồi học đúng tư thế
- Dạy con kỹ năng giao tiếp
- Dạy con “chơi” với các con chữ và số
* Dạy trẻ kỹ năng tư duy sáng tạo và học tập hiệu quả: "Học tập suốt đời" chúng ta vẫn luôn nói với nhau như vậy. Nhưng có phải học nhiều thì ai cũng lĩnh hội được hết không? Sự thật là không phải như vậy. Theo các bạn nguyên nhân do đâu? Là do chúng ta chưa tìm ra cho mình phương pháp học tập hiệu quả.
- Có tâm thế học tập xuất sắc
- Thấu hiểu cơ chế hoạt động của não bộ và các vùng chức năng
- Áp dụng thành thạo cơ chế ghi nhớ
- Phát huy được các loại loại hình thông minh của bản thân
- Sử dụng hiệu quả các công cụ tư duy sáng tạo: khởi tạo ý tưởng, sơ đồ tư duy, 6 mũ tư duy…
Trong thời buổi trẻ tiếp xúc với xã hội sớm như ngày nay, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thực sự rất cần thiết. Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khoẻ mà còn giúp các em sớm có ý thức để làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội. Hy vọng những thông tin bổ ích trên sẽ giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về kỹ năng sống cho trẻ để giúp các em phát triển một cách tốt nhất.
Nguồn Bích Phượng